220 website của Việt Nam đã bị "hacker Trung Quốc" tấn công


220 website của Việt Nam đã bị "hacker Trung Quốc" tấn công

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty Bkav, từ ngày 8/5 đến 11/5, đã có 220 trang web của Việt Nam bị các hacker tự nhận là "tin tặc Trung Quốc" tấn công, trong đó có 6 webstie có tên miền .gov.

Những vụ tấn công này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam,

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết, các website này phải hứng chịu những đợt tấn công từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện… Thậm chí, hacker còn đề rõ dòng chữ “By: China Hacked” (Tin tặc Trung Quốc thực hiện - PV).

Theo ông Ngô Tuấn Anh, hoạt động tấn công của các hacker tự xưng là của Trung Quốc vào các trang web của Việt Nam cũng giống nhiều vụ khác trên thế giới, nhất là ở thời điểm giữa các nước đang có quan hệ căng thẳng, chẳng hạn như trường hợp của Ukraine và Nga mới đây.
“Đây là chuyện tất yếu mà các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có website buộc phải chuẩn bị ứng phó,” ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, các cuộc tấn công mạng diễn ra mấy hôm nay chưa gây ra ảnh hưởng quá nghiêm trọng bởi đa số website bị tấn công là trang của doanh nghiệp nhỏ hoặc của cá nhân.
Thực tế cho thấy, tình hình bảo mật website ở Việt Nam mấy năm nay tuy có cải thiện, song vẫn còn rất nhiều những yếu kém mà hacker có thể khai thác.

Hồi đầu tháng Ba, Bkav cũng phát đi cảnh báo cho thấy, có tới 40% website ở Việt Nam tồn tại lỗ hổng bảo mật. Thậm chí có những website có tới 151 lỗ hổng nguy hiểm.

Những lỗ hổng tồn tại trên website chủ yếu xuất phát từ việc thiếu quy trình kiểm tra đánh giá cũng như kinh nghiệm về lập trình an toàn./.


Mối nguy chiến tranh mạng hacker Việt Nam - Trung Quốc

Khoảng 2 ngày cuối tuần qua, hàng trăm website lớn nhỏ của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam đã bị các hacker Trung Quốc tấn công làm tê liệt, mất dữ liệu. Đến chiều 11/5, trang mạng bảo mật Security Daily cho biết có khoảng gần 150 website của Việt Nam bị tấn công, nhiều trang vẫn không thể truy cập được, thậm chí còn nguyên các dòng chữ do các hacker Trung Quốc để lại ngay trên trang chủ.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, nguyên nhân của tình trạng trên là trước đó, một số hacker của Việt Nam đã tấn công các trang mạng của Trung Quốc bằng hình thức từ chối dịch vụ DdoS vì bức xúc với việc nước này đưa dàn khoan xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Tuy các cuộc tấn công chưa nhắm đến những website lớn, trang báo mạng hay website của tổ chức, cơ quan nhà nước nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo các hacker Trung Quốc hoàn toàn có thể tấn công các website này trong thời gian tới.



Một website bị hacker Trung Quốc tấn công

Trao đổi với báo Người Lao Động vào chiều 11/5, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM, cho biết với tình hình như hiện tại thì nguy cơ một cuộc chiến an ninh mạng giữa các hacker Việt Nam và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Nếu nguy cơ này trở thành hiện thực thì những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu các trang mạng của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. “Hacker Trung Quốc rất đông, đã cài nhiều chương trình gián điệp vào các trang mạng tại Việt Nam từ nhiều năm trước nên nếu như các trang mạng Việt Nam bị tấn công thì thiệt hại là rất nặng nề” - ông Thắng cảnh báo.

Theo ông Thắng, điều quan trọng nhất là các trang mạng Việt Nam nên rà soát lại công tác an ninh mạng, sao lưu dữ liệu để khi bị tấn công thì có cơ hội phục hồi; đồng thời phải tăng cường, củng cố nhân sự để bảo mật cho các trang mạng của mình nhiều hơn nữa.

Nhiều chuyên gia an ninh mạng khác đều không phủ nhận khả năng có xung đột trên môi trường mạng, và khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần nâng cao hơn nữa ý thức cũng như tăng cường hoạt động đầu tư cho việc đảm bảo an toàn an ninh thông tin để tránh thiệt hại có thể xảy ra. Bởi vì khi có chiến tranh mạng thì các bên sẽ đều có thiệt hại.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Bkav cho biết: “Trên một số diễn đàn có nhiều ý kiến cho rằng hacker Việt Nam không nên hành động để tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng trên thế giới đang có xu hướng khi có xung đột thực địa giữa các quốc gia đối đầu thì thường đi kèm với chiến tranh mạng.

Nhiều cơ quan, Chính phủ trên thế giới đã thành lập đội quân mạng để ứng phó trước tình huống này. Với các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, cần phải chuẩn bị để có thể ứng phó kịp thời. Cần lưu ý là chiến đấu ngoài thực địa có thể thấy rõ đối thủ là ai, còn trên mạng ẩn danh hoàn toàn.”

Thực tế, lực lượng hacker của Trung Quốc là rất hùng hậu. Một điều cần chú ý, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia thường xuyên có những va chạm với nhau trên môi trường mạng. Trên các diễn đàn quốc tế, Washington và Bắc Kinh vẫn thường xuyên chỉ trích nhau về những hành động tấn công mạng. Thậm chí, Mỹ không ít lần chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã dùng tiền để nuôi dưỡng và đào tạo một đội quân hacker hùng hậu.
 Theo : baodatviet.vn & www.vietnamplus.vn